Thứ hai, 24/01/2011, 17:12(GMT+7)

Làng Nũn, Bắc Giang:
Bao giờ hết nạn "vàng tặc"?

GiadinhNet - Dòng suối trước kia trong vắt giờ là một màu vàng quánh, mặt nước lênh láng dầu bởi dân đào vàng.

Những ngày cuối năm âm lịch, chúng tôi đến với làng Nũn (xã Phong Minh, huyện Lục Ngạn), vùng "rốn" vàng ở tỉnh Bắc Giang. Dòng suối chảy bên sườn ngọn núi trước kia trong vắt giờ là một màu vàng quánh, mặt nước lênh láng dầu bởi dân đào vàng đã biến con suối thành nơi sàng lọc đất đá.
 
Lật núi tìm vàng
 
Tiêu điều vì vàng

Vượt qua nhiều đoạn đường núi quanh co, chúng tôi đến với làng Nũn. Đập vào mắt chúng tôi là cảnh đồi núi hoang vu, những căn nhà lưa thưa của bà dân tộc thiểu số. Điểm nhấn - nếu có thể gọi như thế - ở làng Nũn chính là dòng nước vàng quánh, lênh láng váng dầu cùng những hố khai thác vàng nham nhở. Trò chuyện với chúng tôi, cụ Yến, một người dân sống mấy chục năm ở làng Nũn kể: "Ngày trước chúng tôi chủ yếu lấy nước từ dòng suối Hương này dùng sinh hoạt, nhưng mấy năm nay gia đình tôi phải sang nhà cháu gái xin nước lấy từ khe núi xuống, nước suối không thể dùng được nữa".

Theo cụ Yến, người dân không phải ai cũng vào được nơi khai thác vàng. Nhiều lần nghe tin lán này, lán kia đào được vàng, dân bản địa cũng hăm hở thử vận may, họ đi "mò" ở các hố nước mong tìm được vàng nhưng ngay lập tức bị các chủ bãi doạ nạt, nếu không đi rất có thể bị đánh.

Để mở rộng địa bàn đào đãi vàng, những đầu nậu khai thác vàng còn gạ gẫm mua lại ruộng nương của người dân trong vùng. Với giá 70 triệu/ 1 sào, rất nhiều người dân bản địa đã bán ruộng vườn cho dân đào đãi vàng. Anh Lâm, một người dân cho biết: "Họ nói sau khi khai thác vàng xong sẽ cho san lấp, trả lại mặt bằng để chúng tôi canh tác, nên chúng tôi bán hết ruộng cho họ. Nhưng sau khi khai thác xong họ bỏ đi luôn, để lại những hố sâu hoắm và ngổn ngang đất đá. Sức chúng tôi cũng không làm sao san lấp được hết nên đành để ruộng nương bị bỏ hoang".

Chính quyền địa phương cho biết, từ ngày dân khai thác vàng đổ về đây, ngoài việc môi trường ô nhiễm nghiêm trọng thì nạn bài bạc, ma túy cũng đã xuất hiện. Những người khai thác vàng chủ yếu từ Thái Nguyên, Hải Dương, Bắc Giang đến, họ đến không chỉ gây hại cho núi rừng mà còn mang theo luôn cả tệ nạn xã hội. Trước đây vùng này được coi là vùng "sạch" của huyện Lục Ngạn, nhưng giờ thôn làng đã không còn được yên bình. Với địa hình đồi núi đi lại khó khăn nên việc truy quét tệ nạn cũng không dễ.

"Càng đi sâu vào "rốn" vàng, càng thấy sự tàn phá trở nên khủng khiếp. Trước mặt chúng tôi là đất đá ngổn ngang cùng hàng trăm hố sâu từ 5 - 10m, đường kính khoảng 3m, do dân đào vàng để lại. Nhờ có người dẫn đường nên chúng tôi tiếp cận được với một số "phu vàng". Họ còn rất trẻ, do gia đình khó khăn mà phải lên đây làm "phu". Anh Nguyễn Văn T (Thái Nguyên) - một "phu vàng" cho biết mỗi tháng làm việc cật lực họ được trả 4 đến 5 triệu đồng. Tuy số tiền không phải quá nhiều nhưng so với làm nông nghiệp thì đó đã là con số mơ ước. Anh T còn bảo nếu gặp vận may, đào đãi được nhiều vàng thì họ còn được các chủ bưởng thưởng. Tuy nhiên khi gặp vận "đen", đào mãi không kiếm được gì thì sẽ bị chủ bưởng quở trách.

Các điểm khai thác vàng ở đây chia làm 4 khu vực lớn cùng với nó là các lán trại phục vụ cho "phu vàng" ăn ở, khai thác.
 
Lán tạm bợ dùng cho việc tìm vàng
 
Cần quyết liệt hơn

Đã nhiều lần người dân sinh sống trong vùng rất bức xúc bởi sự ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội do những người khai thác vàng gây nên. Trước tình hình đó, tháng 12/2010 lực lượng công an huyện cùng dân quân đã tiến hành truy quét mạnh mẽ, nhằm triệt phá các điểm khai thác vàng ở làng Nũn. Vậy nhưng khi công an tới nơi thì các chủ bãi đã chạy chốn lên rừng, chỉ thu được một số máy móc, dụng cụ đào đãi vàng.

Còn ông Nguyễn Văn N - người dân địa phương thì thẳng thắn nói: "Cứ đến rồi đi, cứ truy quét rồi lại bỏ thì còn lâu mới dẹp được bọn khai thác vàng".

Không biết nạn khai thác vàng cùng các tệ nạn ở làng Nũn rồi sẽ được giải quyết thế nào? Hy vọng chính quyền huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang sẽ có những biện pháp quyết liệt hơn để giải quyết triệt để tình trạng này.
 

"Do địa bàn là vùng núi nên khi tiến hành truy quét các đối tượng đào đãi vàng trái phép rất dễ đều chạy trốn lên rừng, khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, chúng tôi đã cử người ở lại canh gác, nhưng do người mỏng nên không phải lúc nào cũng có thể ngăn chặn triệt để". - Ông Nguyễn Đình Quế - Đội trưởng đội Kinh tế Công an Lục Ngạn

 
Nguyễn Hường - Nguyễn Quế

Xem ý kiến bạn đọc

Danh sách comment