Thứ Ba, 01/02/2011 - 07:46

Tiến sĩ Hàn Quốc “mê” bánh chưng Việt Nam

(Dân trí) - Đây là năm thứ 7, Tiến sĩ Seung Chul Jung, ĐH Khoa học và Công nghệ Pohang, Hàn Quốc (Postech) ăn Tết tại Việt Nam. Món ăn mà Tiến sĩ Jung “mê” nhất trong dịp Tết là món bánh chưng vì món này không chỉ ngon mà đậm ý nghĩa tình người.

Tiến sĩ Seung Chul Jung là trưởng đại diện Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Pohang, Hàn Quốc (Postech) tại Việt Nam và tham gia giảng dạy tại trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, năm nay là năm thứ 7 ông ăn Tết tại Việt Nam.

Chia sẻ về Tết Việt Nam và Hàn Quốc có gì khác nhau, theo TS Jung, dân tộc Việt Nam và Hàn Quốc là hai trong số những dân tộc còn lại ăn Tết theo âm lịch trên thế giới. Tết Việt Nam cùng ngày với Hàn Quốc và có nhiều mặt giống nhau. Đa số người dân về quê đón Tết, mỗi nhà đều chuẩn bị nhiều loại món ăn và đặc biệt nhận lì xì...

 

Tiến sĩ Seung Chul Jung.

“Tôi đã ăn Tết ở Việt Nam 6 năm, năm nay là năm thứ 7. Trong đó 4 lần ăn Tết ở Hà Nội, 2 lần đi du lịch miền Nam Việt Nam. Mỗi Tết đến, tới thăm gia đình bạn bè không chỉ ở Hà Nội mà ở thành phố khác, tôi thấy vui lắm, luôn chúc nhau mạnh khỏe, nói chuyện chân thành, tâm sự về cuộc sống, về phong tục ăn Tết giữa 2 nước. Ở Việt Nam món ăn đặc biệt của ngày Tết là bánh chưng và dưa hành thì ở Hàn Quốc có món đặc biệt là Tok guk.

Lúc đầu ăn Tết ở Việt Nam tôi ăn bánh chưng thấy rất khó ăn nhưng khi tìm hiểu thì tôi thấy bánh chưng rất có ý nghĩa với mỗi gia đình, mỗi con người Việt Nam. Mỗi ngày Tết đến, nhiều gia đình Việt Nam gói và nấu bánh chưng. Vui nhất là lúc họ chuẩn bị đồ để gói bánh. Đó là lúc mọi người quây quần vừa làm, vừa chia sẻ tình cảm, niềm vui khi Tết đến. Tôi hiểu ý nghĩa “bánh chưng là gì” đối với người Việt Nam và cảm thấy quen bánh chưng hơn trước, dần dần “mê” ăn bánh chưng. Bây giờ, cả gia đình tôi thích ăn bánh chưng, đặc biệt bánh chưng rán. Lúc nào tôi đến thăm gia đình bạn bè người Việt Nam thì các chú và các cô đều tặng bánh chưng cho gia đình mình. Bây giờ tôi biết, người Việt Nam không chỉ tặng bánh chưng mà họ gửi tình cảm và tình yêu thương của họ cho gia đình mình qua bánh chưng đó” - TS Jung chia sẻ.

  

Tâm sự về Tết Hàn Quốc, TS Jung cho biết: “Sau khi Hàn Quốc công nghiệp hóa rồi thì ý nghĩa của Tết đối với người Hàn Quốc giảm hơn ngày xưa. Ngày Tết trở thành một trong những ngày nghỉ. Nhiều người đi du lịch trong nước và nước ngoài trong thời gian nghỉ Tết. Nhưng ở Việt Nam, vẫn còn hầu hết người về quê gặp bố mẹ, anh chị em, họ hàng và hàng xóm, chia sẻ những việc tốt, xấu, niềm vui và buồn mà mình đã trải qua trong năm cũ và những hy vọng năm mới. Điều đó, làm đoàn kết và yêu thương giữa thành viên của gia đình ngày càng nhiều hơn”.

TS Jung cũng cho biết thêm, thời gian nghỉ Tết Việt Nam thì dài hơn ở Hàn Quốc. Trong thời gian này, một số người Hàn Quốc về nước để ăn Tết với gia đình mình hoặc đi du lịch nhưng hầu hết người Hàn Quốc ăn Tết ở Việt Nam vì họ cảm thấy gần gũi và yêu thương hơn. Họ chuẩn bị một số món ăn Hàn Quốc như Tok guk, thăm gia đình người Hàn Quốc khác, gia đình bạn bè ở Việt nam, rất thoải mái khi nói chuyện vì  phong tục Tết hai nước giống nhau nhiều.

Trăn trở về giữ gìn phong tục ngày Tết cổ truyền, TS Jung tâm sự: "Tôi nghĩ rằng phong tục Tết là rất quý ở Việt Nam và Hàn Quốc nên chúng ta phải giữ gìn phong tục này. Đặc biệt, Việt Nam và Hàn Quốc đang trên đường thực hiện công nghiệp hóa nên sự di chuyển của thành viên gia đình nhiều theo công việc, có khả năng tình cảm thật giữa con người ít hơn, lợi ích và tiền bạc ngày càng thay thế không chỉ trong gia đình bạn bè hoặc hàng xóm. Trong xã hội hiện đại như thế này, suy nghĩ lại thấy ý nghĩa của gia đình họ hàng, hàng xóm được gặp gỡ, chia sẻ tình cảm tự nhiên là rất quan trọng trong thời gian Tết. Tôi hy vọng, Tết năm nay, mỗi gia đình vui vẻ, hạnh phúc và có nhiều thời gian dành tình cảm cho bố mẹ và con cái, họ hàng, hàng xóm, bạn bè nhiều hơn năm ngoái. Nếu gia đình nào có bánh chưng còn lại thì xin chia sẻ đối với hàng xóm người nước ngoài nhé. Chúc mừng năm mới!".

Hồng Hạnh (ghi)