Thứ năm, 3/2/2011, 16:05 GMT+7

Nạn móc túi hoành hành ngày Tết

Những ngày này, tại các chùa như Phúc Khánh (quận Đống Đa), phủ Tây Hồ (quận Hoàn Kiếm), chùa Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nườm nượp khách đổ về chen chân khấn vái, cầu mong những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, đây cũng là dịp tệ móc túi hoành hành.

Đang chen chân đặt lễ, khấn vái tại chùa Hà, Hoa (23 tuổi, ở đường Xuân Thủy) tá hỏa khi chiếc điện thoại Iphone G4 không cánh mà bay. Chiếc túi áo khoác cũng bị rạch một vết lớn tự bao giờ.

Mặt ngẩn tò te vì tiếc của, cô gái xinh xắn vừa nói vừa mếu máo: "Em được thưởng Tết sau một năm đi làm và vừa lên đời điện thoại được khoảng 1 tuần nay, chỉ một phút sơ sẩy đã bị kẻ gian móc lúc nào không hay".

Chị Lan (42 tuổi, ở Kim Mã) mặt cũng buồn thiu khi toàn bộ 4 triệu đồng vừa được thưởng để trong ví, cùng chứng minh thư, thẻ tài khoản... đã bị kẻ gian móc từ lúc nào không biết.

Người đông nghẹt ngày Tết là cơ hội để kẻ xấu móc túi. Ảnh: Hà Anh.

Người đông nghẹt ngày Tết là cơ hội để kẻ xấu móc túi. (Ảnh chụp sáng ngày mùng 1 Tết năm Tân Mão ở tổ đình Phúc Khánh). Ảnh: Hà Anh.

Gương mặt vẫn còn thất thần bước ra khỏi dòng người đông đúc đang chen chân sắp lễ, chị Lan giơ chiếc túi xách đã bị kẻ gian rạch một đường dài cho những người xung quanh xem. "Tôi đã cẩn thận đeo túi trước người để tránh trộm "hai ngón nhưng chỉ nhoáng một cái, tôi thấy túi xách bị động nên cúi xuống mà không kịp. Tôi nghĩ, kẻ gian trà trộn vào và giả vờ khấn vái, chen lấn rồi ra tay", chị Lan nhận định.

Tiền bạc thì mất sạch, nhưng với chj Lan, nản hơn là toàn bộ các giấy tờ xe, chứng minh thư bị mất vì việc đi làm lại rất tốn thời gian.

Chỉ trong một buổi sáng, rất nhiều người đi lễ chùa Hà đã ngẩn tò te khi bị kẻ gian móc trộm với những thủ đoạn rất tinh vi như vậy. Còn ở chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa), từ lối vào đến sân chùa, nhan nhản các tờ rơi được dán lên tường với nội dung "Rơi giấy tờ". Trên những tờ rơi đó cung cấp số điện thoại và tên tuổi, hy vọng người "nhặt được" của rơi sẽ "rộng lòng" mà trả lại.

Chị Lê Thị Huyền viết: "Tôi bị mất một số giấy tờ tên tôi gồm chứng minh nhân dân, giấy đăng ký xe, thẻ ATM, ai nhặt được báo cho tôi theo số điện thoại 09 XXX, tôi xin cảm ơn và hậu tạ".

Một chủ cửa hàng bán hàng mã ngay cổng chùa Phúc Khánh cho biết thủ đoạn của bọn kẻ gian lợi dụng người đi lễ chùa đông, chen chúc nhau và lúc người đi chùa cúng bái, sơ hở để móc túi, rạch túi lấy trộm tiền, điện thoại, nữ trang...

"Bọn chúng thường hoạt động theo nhóm có cả nam và nữ. Có những trường hợp phát hiện được kẻ rạch túi, nhưng khi nhìn thấy thái độ dửng dưng của những người xung quanh, ánh mắt hung dữ như đe doạ của lũ móc túi, nạn nhân lại thấy sợ, chẳng biết kêu ai", chủ cửa hàng này cho biết.

Cũng theo nhiều người bán hàng ở đây, dù chứng kiến chứng kiến bọn rạch túi, móc túi của nạn nhân, nhận diện được mặt của thủ phạm, nhưng vẫn không dám tố giác hành vi của chúng với cơ quan chức năng vì sợ sẽ bị trả thù.

Còn ở Phủ Tây Hồ, nơi hàng năm, ngày lễ, khách thập phương kéo đến rất đông. Theo một người làm công tác bảo vệ ở phủ, tại đây đã lắp đặt camera và luôn có người đứng trực trước màn hình để theo dõi. Tuy nhiên, chiếc máy chỉ ghi được ở một góc nhất định. Những tên trộm luôn né được kẽ hở này để ra tay móc, rạch túi khách tới thắp hương.

“Chúng tôi vẫn khuyến cáo khách hành hương qua loa phóng thanh và dán ảnh những nghi phạm thường xuyên trộm cắp ở cổng chùa để mọi người biết. Tuy nhiên, nạn trộm cắp năm nào cũng hoành hành", ông cho hay.

Cũng theo ông, bọn trộm chỉ quan tâm đến tiền, vì vậy khi lấy xong, chúng vứt lại ví, trong đó có các giấy tờ tùy thân bỏ lại ở các khe cửa hay nhà vệ sinh. Nhiều người may mắn đã tìm lại được.

Mới đây nhất, ngày 28/2, Công an phường Dịch Vọng, Cầu Giấy đã bắt được Hoàng Văn Thọ (45 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm) về hành vi trộm tài sản. Trước đó, lợi dụng lúc khu vực chùa Hà có rất đông người dân và khách thập phương đến lễ chùa, anh ta đã lấy cắp ví của một cô gái đi lễ chùa.

Khi nhìn thấy bóng cảnh sát, anh ta vội vứt chiếc ví da màu hồng vào thùng rác nhằm phi tang, tuy nhiên, hành động đó đã bị phát hiện.

Trao đổi với VnExpress.net, một cán bộ cảnh sát cảnh báo: “Tội phạm ngày càng táo tợn và nguy hiểm. Vì vậy, người dân cần cảnh giác, tự bảo vệ tài sản của chính mình. Ai phát hiện kẻ gian, phải tri hô và báo cho lực lượng cảnh sát…”.

Anh Thư